Cụm di tích đình – chùa Trường Lâm là một di tích có giá trị văn hóa và ý nghĩa lịch sử khác của Việt Hưng được nhiều người biết đến.
Đình Trường Lâm còn tự hào gắn với thời kỳ cách mạng, được công nhận là di tích cách mạng kháng chiến. Nhà lưu niệm Bác Hồ xây dựng với dáng phương đình được xây dựng theo kiểu kiến trúc cuối thể kỷ 20 chiếm vị trí khá sang trọng của khu sân đình hiện nay nhằm ghi lại sự kiện 2 lần Bác Hồ về thăm địa phương - một trong những sự kiện được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Trường Lâm mãi mãi tự hào và lưu truyền. Đó là vào ngày 18/2/1958, tức sáng mồng một tết Mậu Tuất, Bác Hồ và bác sỹ Trần Duy Hưng - Chủ tịch Uỷ ban hành chính Hà Nội cùng lãnh đạo thành phố đã về thăm, biểu dương chính quyền và nhân dân Trường Lâm có nhiều thành tích làm thuỷ lợi chống hạn, khai hoang trong năm 1958. Lời căn dặn của Bác về tăng gia sản xuất, bảo vệ giữ gìn di tích đình Trường Lâm, chăm lo đời sống, học tập cho thiếu nhi địa phương…vẫn còn đọng sâu trong tâm khảm nhiều cụ phụ lão của thôn Trường Lâm, đã được kể lại nhiều lần cho con cháu nghe và học tập. Một lần khác, Bác về Trường Lâm dự Hội nghị chiến sỹ thi đua của Bộ Nông trường tổ chức tại xóm Thanh Đồng… Do vậy, ngoài việc là di tích lịch sử truyền thống của địa phương, đình Trường Lâm còn là nơi lưu giữ kỷ niệm không phai mờ tình cảm của nhân dân địa phương với Bác Hồ kính yêu. Sáng ngày 09/11/2007, tại nhà văn hóa Trường Lâm, cán bộ và nhân dân phường Việt Hưng nói chung và nhân dân Trường Lâm nói riêng lại vinh dự và tự hào được một lần nữa đón Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam - đồng chí Nguyễn Minh Triết về thăm khu di tích và dự ngày hội Đại đoàn kết toàn dân khu dân cư Trường Lâm.
Lễ rước nước trong lễ hội Trường Lâm năm 2016
Cùng với di sản văn hóa vật thể, Việt Hưng còn bảo lưu nhiều lễ hội cổ truyền của địa phương. Trước đây, Lễ hội Trường Lâm diễn từ mồng một tháng hai âm lịch đến hết mười hai tháng hai âm lịch hàng năm, như như lễ hội của các làng khác thờ Linh Lang đại vương (Cả nước có đến 269 nơi thờ Linh Lang đại vương). Lễ hội vẫn giữ được những nghi thức cổ truyền và các trò chơi văn hoá dân gian như chọi gà, kéo co,… Đặc biệt vào các dịp này cho đến nay các làng thờ Linh Lang đại vương vẫn tổ chức thăm hỏi và dự hội làng.
Múa Lột rắn tại lễ hội Trường Lâm
Điệu múa "lột xác rắn" cũng là một điểm nhấn có ý nghĩa văn hóa và tâm linh trong lễ hội làng Trường Lâm hàng năm. Truyền thuyết kể rằng: Hoàng Lang – Con trai vua Lý Thánh Tông và bà Hạo Nương – cung phi thứ 9 có công dẹp giặc Tống, được vua có ý nhường ngôi nhưng Hoàng Lang không nhận. Ngài tâu rằng: ngài vốn là con vua Long vương, vâng mệnh trời xuống giúp dân giúp nước, nay xong việc xin trở về Thủy quốc. Ngài xin vua được cho thờ ở nơi sinh và cho lấy lá cờ lệnh tung lên trời đến đâu thì được thờ ở đó. Vua ưng thuận. Ngài bước lên phiến đá hóa ra Bạch xà dài trăm trượng bò xuống hồ Tây biến mất vào ngày 10/2 năm Đinh Tỵ (1077). Như vậy, theo truyền thuyết Ngài không chết mà hoá thánh, điệu múa "Lột xác rắn" mô tả việc Ngài thoát xác, hoá thánh. Đây là một trong hai điệu múa của lễ hội truyền thống của Việt Hưng được tham gia Liên hoan múa cổ Thăng Long – Hà Nội và là nét độc đáo trong hồ sơ đề nghị Bộ VHTT và DL công nhận lễ hội Trường Lâm là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lễ hội truyền thống làng Trường Lâm năm 2017 diễn ra từ ngày 06/3 đến 09/3/2017 (từ ngày 09 đến ngày 11/2 Năm Đinh Dậu).